Gạc (tên khác là sừng) của con nai đực khi rụng đi sẽ được dùng để chế biến thành một loại cao được gọi là cao gạc nai. Nói đến cao gạc được sử dụng phổ biến là cao gạc nai và cao sừng hươu (cao ban long). Ngay dưới đây là thông tin chi tiết về cao gạc nai và tác dụng của cao gạc nai, và bật mí thêm cho bạn đôi chút về những công dụng của cao ban long.
Cao gạc nai là gì?
Cao gạc nai là loại cao được nấu từ gạc (sừng) già của con nai, nó cũng được gọi là cao ban long (tên gọi chung của cao gạc hươu và cao gạc nai). Tuy nhiên nếu kết hợp cả sừng nai và sừng hươu thì lại tạo ra loại cao gọi là Mê Lộc Đồng Công.
Phần lớn các loại cao ban long được bán trên thị trường nước ta được nấu từ gạc hươu, rất ít nơi bán cao gạc nai. Và trên thực tế, người dùng khi mua cao ban long cũng không để ý nhiều đến vấn đề này. Đây là một sai lầm của chính khách hàng mà các bạn sẽ hiểu ở phần sau.
Tìm hiểu về gạc nai
Nai còn được gọi là Mê (Cervus unicolor Cuv) cùng họ với hươu (Ugulata) nhưng lớn hơn hươu. Trên mình nai không có đốm sao, sừng già chỉ lên 3 nhánh. Hàng năm nai thường cọ đầu vào cây để cho sừng rụng. Mỗi bộ gạc nai thường nặng trên 5kg.
Gạc nai khi còn tươi chẻ ra có màu vàng ngà, không đen. Khi nấu cao gạc nai cần chọn loại gạc nguyên vẹn. Gạc nai bị nứt, dập đen thì độc và không dùng để nấu cao gạc nai.
Gạc nai dùng để nấu cao tốt nhất là của Mông Cổ, mỗi chiếc thường nặng trên 7kg, mỗi nhánh có tới 7 chi, khi nấu sẽ được cao gạc nai vàng.
Khi nấu cao ban long, gạc hươu và gạc nai được phân biệt riêng, thường không nấu chung với nhau, cao gạc nai thì rẻ hơn cao gạc hươu vì cao gạc hươu có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều.
Gạc nai được chia thành mấy loại theo thứ tự tốt xấu như sau:
- Gạc bao bì: gạc còn da, lông, phía ngọn sờ mềm, đồ lên còn thái được.
- Gạc liên tảng: gạc còn xương trán nối hai nhánh với nhau
- Gạc có đế lồi ra: là loại sừng vừa mới rụng
- Gạc lõm đế: xấu, không dùng nấu cao
- Gạc xốp, gẫy, dập: gạc xấu, độc không dùng được.
Để có được loại cao gạc nai tốt nhất thì cần chọn được loại gạc bao bì hoặc gạc liên tảng. Trước đây, gạc nai được thu thập nhờ săn bắt, nhưng hiện nay nai hoang dã không còn nhiều nên chủ yếu gạc nai được lấy từ những đàn nai tự nuôi dưỡng.
Mặc dù chất lượng nai nuôi dưỡng không được bằng nai hoang dã nhưng gạc nai tự thu hoạch lại có thể dễ dàng lựa chọn được những cặp tốt nhất dùng cho việc nấu cao.
So sánh giữa gạc nai và gạc hươu
Gạc hươu dù được nuôi dưỡng hay trong tự nhiên cũng đều có giá trị hơn gạc nai, đặc biệt loại gạc hươu sao là loại gạc tốt nhất dùng để nấu cao ban long.
Gạc hươu thường dài, có nhiều nhánh nhỏ mọc từ hai nhánh chính. Gạc nai lớn nhưng gồ ghề với ba nhánh đơn giản.
Cách nấu cao gạc nai
Thông thường, cứ 30kg gạc nai thì được khoảng 7,5 kg cao gạc nai. Để nấu cao gạc nai sẽ có 3 giai đoạn là sơ chế, tẩm nấu và cô đặc.
Sơ chế làm sạch gạc nai
- Ngâm gạc nai trong phèn chua và đun sôi trong khoảng 30 phút rồi cạo sạch bên ngoài gạc nai cho hết đen.
- Sau đó đem rửa sạch và phơi cho khô gạc nai. Tiếp tục cưa gạc thành từng khúc ngắn khoảng 5-6 cm, chẻ ra thành 2-3 mảnh nhỏ.
- Cạo sạch hết tủy có trong gạc nai vì còn tủy sẽ khiến cao bị chảy. Sau đó rửa sạch và tiếp tục mang phơi khô.
Tẩm nấu gạc nai
- Tẩm gạc nai với gừng tươi giã nhỏ, cứ 10 gạc thì tẩm với 1 kg gừng, tẩm trong 2 giờ đồng hồ rồi sấy khô.
- Cho gạc nai vào thùng men (hoặc khạp), ở giữa có lồng rỗng để múc nước cốt.
- Đổ ngập gạc với nước sạch cách mặt gạc chừng 10cm, đun đều lửa liên tục, cứ 2 ngày 1 đêm thì lấy ra 1 lần nước cốt.
- Cần đun với nước tinh khiết, tránh nước có chứa khoáng chất sẽ làm cao bị chảy. Trong quá trình nấu nếu có bọt thì vớt ra.
- Nấu liên tiếp như trên cho đến khi lấy được 3 lần nước cốt thì dừng lại. Ba lần nước này sau đó kết hợp lại với nhau để cô cao.
Cô đặc cao gạc nai
- Khi bắt đầu cô chung thì đun nhỏ lửa (70-80 độ C). Khi cao đã gần đặc thì cô bằng cách thủy hoặc cô trên cát, nhiệt độ hạ dần xuống 60 rồi 40 độ C.
- Ở giai đoạn cuối, cần đánh mạnh, đều và liền tay để tránh cao bị cháy, khê. Khi lấy dao rạch sâu xuống miếng cao mà hai mép không khép lại với nhau thì được và dừng lại.
- Đổ cao đã cô hoàn chỉnh ra khuôn cho nguội, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ 50g hoặc 100gr tùy ý.
Tác dụng của cao gạc nai
Trong cao gạc nai có nhiều chất keo, calci phosphate, calci cabonat, chất đạm và nhiều keratin thủy phân cho nhiều acid amin quý giá.
Cao gạc nai có nhiều tác dụng đối với người dùng như:
- Giúp ích khí, sinh tủy, nhẹ mình, tăng cường tuổi thọ, tăng cơ thịt, giúp tươi tỉnh, mập khỏe.
- Trị nội thương nhọc mệt, lưng đau mỏi, chân tay đau nhức, ngã gãy tổn thương xương khớp.
- Chữa phụ nữ huyết bế, hiếm muộn, khó đậu thai, không có con, thổ huyết, băng huyết.
- Tăng cường sinh lý, nâng cao sinh lực, sức mạnh cơ thể, cơ bắp và tăng cường vận động.
- Bổ máu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, hạn chế các bệnh tim mạch, cải thiện huyết áp thấp.
Ngoài ra, tùy theo cách sử dụng cũng như cách kết hợp cao gạc nai với những vị thuốc khác nhau mà tạo thành những bài thuốc điều trị được nhiều loại bệnh khác nữa. Tuy nhiên chỉ với những tác dụng trên chắc cũng đủ để bạn cân nhắc sử dụng cao gạc nai, đặc biệt với người cao tuổi và phụ nữ hiếm muộn.
Cách sử dụng cao gạc nai
- Cao gạc nai nên dùng 4-12g mỗi ngày.
- Để sử dụng cao gạc nai có thể cắt thành từng miếng nhỏ để ăn trực tiếp bằng cách nhai hoặc ngậm cho tan trong miệng.
- Cũng có thể hòa cùng cháo, nước nóng để ăn uống cùng.
- Hấp cùng mật ong trong nồi cơm khoảng 10-15 phút rồi dùng ngay khi còn nóng.
- Cao gạc nai cũng dùng để ngâm rượu 45 độ với tỷ lệ 1 lạng cao ngâm cùng 1 lít rượu trong 30 ngày. Mỗi ngày dùng 1-2 chén rượu nhỏ.
- Hoặc hòa cao gạc nai vào nước sắc long nhãn với tỷ lệ 1 phần cao gạc nai với 5 phần nước sắc long nhãn để uống vào sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.
Đối tượng nên sử dụng cao gạc nai
Cao gạc nai nên được sử dụng cho người cao tuổi, phụ nữ hay nam giới hiếm muộn, nam giới yếu sinh lý, người gầy yếu, mệt nhọc, người lao động nặng nhọc, vận động viên.
Ngoài ra, những người khỏe mạnh cũng có thể dùng cao gạc nai để bồi bổ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhưng dùng với liều lượng nhỏ hơn khi chữa bệnh.
Người cần kiêng kị dùng cao gạc nai
Cao gạc nai dùng được cho nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, tuy nhiên với những người có bệnh hư hàn thì không nên dùng cao gạc nai.
Nên mua cao gạc nai hay cao gạc hươu
Mặc dù sau khi thành phẩm thì cao gạc nai hay cao gạc hươu đều có tên gọi chung là cao ban long và tác dụng của cao ban long thì đều giống nhau kể cả được nấu từ gạc nai hay gạc hươu.
Tuy nhiên cần phải phân biệt rõ ràng rằng % hàm lượng dưỡng chất trong gạc hươu thì cao hơn nhiều trong gạc nai. Điều đó khiến cho cao ban long được nấu từ gạc hươu bao giờ cũng chất lượng và có giá trị hơn.
Hơn nữa, giá gạc nai cũng rẻ hơn giá gạc hươu, vì vậy nên giá cao ban long nấu từ gạc nai cũng sẽ rẻ hơn giá cao ban long nấu từ gạc hươu. Nếu không biết điều này, chắc chắn bạn sẽ bị mua đắt.
Sử dụng cao gạc hươu sẽ có tác dụng nhanh và mạnh hơn là dùng cao gạc nai, cũng chính vì thế khi chọn mua cao ban long (thường trên thị trường không phân biệt rõ cao gạc hươu và cao gạc nai) thì các bạn nên chọn địa chỉ uy tín để mua được loại cao chất lượng.
Ngoài ra cũng cần phải phân biệt loại cao ban long thật và giả. Với cao ban long thật thì sẽ có màu nâu hoặc nâu sẫm, bề mặt có nhiều nếp nhăn to nhỏ, có mùi hơi tanh, dẻo khó cắt, bề mặt cắt có nhiều lỗ nhỏ bóng khí li ti, ăn có vị ngậy, hơi khó ăn nếu là lần đầu.
Trên đây là những thông tin về cao gạc nai, hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.